Tiêm kích F-47: Bước nhảy vọt trong công nghệ quân sự Mỹ
Mỹ vẫn chưa công bố chi tiết về F-47 nhưng khẳng định nó có nhiều tính năng vượt trội so với F-22.
Ngày 21/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Boeing đã nhận hợp đồng phát triển máy bay thế hệ mới NGAD (Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới). F-47 sẽ dần thay thế F-22, chiến đấu cơ tàng hình đã phục vụ hơn 20 năm.
Mỹ chưa tiết lộ thông số F-47, nhưng Tư lệnh Không quân David Allvin xác nhận đây là máy bay chiến đấu thế hệ 6 có người lái đầu tiên. Máy bay sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến, cảm biến hiện đại và khả năng tấn công tầm xa để đối phó các mối đe dọa phức tạp.
Hình ảnh do Không quân Mỹ công bố cho thấy F-47 có thiết kế khác biệt so với F-22 và F-35. Cấu trúc máy bay có thân dẹt, góc cạnh – đặc trưng của dòng tàng hình – nhưng được bổ sung cánh mũi hai bên buồng lái. Cánh chính và cánh mũi đều vát lên trên, không nằm ngang như F-22.
Các công nghệ NGAD đã trải qua 5 năm thử nghiệm, và tướng Allvin khẳng định F-47 sẽ cất cánh ngay trong nhiệm kỳ của ông Trump. Điều này đồng nghĩa Boeing và Không quân Mỹ còn chưa đầy 4 năm để hiện thực hóa dự án.
Tổng thống Trump từ chối tiết lộ giá trị hợp đồng cũng như thời gian bàn giao máy bay. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ ước tính thương vụ có giá ít nhất 20 tỷ USD, chưa tính các đơn đặt hàng trong tương lai.
Năm 2024, chương trình NGAD từng bị gián đoạn do lo ngại chi phí. Đây là một trong những dự án tốn kém nhất trong ngân sách nghiên cứu phát triển của Không quân Mỹ. Dù vậy, tướng Allvin cam kết F-47 sẽ có chi phí hợp lý, sản xuất số lượng lớn và linh hoạt trước các mối đe dọa tương lai.
Không quân Mỹ dự kiến trang bị 220-250 chiếc thuộc dự án NGAD. Năm 2018, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng dự đoán mỗi chiếc có thể có giá 300 triệu USD, nhưng hiện nay con số này có thể đã cao hơn.
Nếu so sánh, Lockheed đã sản xuất nguyên mẫu YF-22 vào năm 1989-1990 trước khi giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ATF (Tiêm kích Chiến thuật Tiên tiến) vào năm 1991. Lockheed mất 6 năm để hoàn thiện F-22 và đến năm 2005, mẫu tiêm kích này mới chính thức được đưa vào biên chế, tức là hơn 14 năm sau khi được chọn.
Ban đầu, Không quân Mỹ muốn mua 750 chiếc F-22, nhưng sau đó giảm xuống 381 và cuối cùng chỉ có 195 máy bay được chế tạo trong giai đoạn 1995-2011, gồm 8 chiếc thử nghiệm và 187 chiếc sẵn sàng tác chiến.
Chi phí sản xuất mỗi chiếc F-22 là 140 triệu USD, chưa tính các khoản chi cho nghiên cứu, cơ sở hạ tầng và bảo trì. Nếu tính tổng chi phí, mỗi máy bay có giá khoảng 350 triệu USD.
Hiện tại, Mỹ đang vận hành 183 chiếc F-22 nhưng chỉ 125 chiếc có thể chiến đấu. Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2023 cho thấy chỉ 52% số F-22 sẵn sàng làm nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào. Theo tướng Allvin, F-47 sẽ có tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu cao hơn và dễ bảo trì hơn so với F-22.
F-47 được đánh giá có khả năng thích nghi cao, nhờ thiết kế kỹ thuật số và hệ thống mở giúp dễ dàng nâng cấp phần mềm, cảm biến và các thiết bị phụ trợ theo yêu cầu chiến đấu.
Không quân Mỹ không giải thích lý do tại sao chọn Boeing thay vì Lockheed Martin, nhà sản xuất F-22 và F-35.
Gần đây, Boeing gặp nhiều vấn đề với các dự án quân sự như KC-46, T-7 và chuyên cơ VC-25B, làm chi phí tăng gần 10 tỷ USD. Máy bay dân dụng của hãng cũng gặp sự cố về chất lượng.
Lockheed Martin cũng đang đối mặt với tình trạng đội giá và chậm tiến độ trong dự án F-35. Hãng bày tỏ thất vọng khi Boeing được trao hợp đồng phát triển F-47 và cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với Không quân Mỹ.